Nói đến sự gắn kết giữa trường đại học sư phạm (ĐHSP) với trường phổ thông (PT) là nói đến mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo giáo viên (GV) và cơ sở sử dụng GV. Trường SP là nơi cung cấp nguồn nhân lực, là nơi “tạo ra sản phẩm” – sản phẩm đặc biệt, còn các trường PT là “khách hàng tiêu thụ sản phẩm”.
Trường PT có quyền đòi hỏi được tuyển dụng những GV có năng lực chuyên môn vững vàng, có phẩm chất nghề nghiệp và những kĩ năng sư phạm cần thiết. Vì thế, trường ĐHSP cần phải bám sát những yêu cầu thực tiễn của trường PT để xây dựng Chương trình, nội dung đào tạo phù hợp, để cho “ra lò” những thế hệ GV đáp ứng các yêu cầu dạy học – giáo dục của nhà trường PT trong thời kì hội nhập. Tức là, việc đào tạo nguồn nhân lực trong trường ĐHSP với việc sử dụng nguồn nhân lực ấy ở trường PT phải là một quy trình liên thông, khép kín.
Tuy nhiên, thực tế điều này chưa thực hiện được ở hầu hết các trường ĐHSP. Xin được trích dẫn các ý kiến sau để thấy rằng việc tìm hiểu mối quan hệ giữa trường SP với trường PT luôn là vấn đề mới và còn bỏ ngỏ. Ý kiến thứ nhất : “Mỗi SVSP, sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng về cơ sở giáo dục phổ thông công tác phải có tư thế và niềm kiêu hãnh của một người đem cái mới về tri thức và phương pháp giảng dạy về cho cơ sở giáo dục đó”( ). Ý kiến thứ hai : “Với những giáo viên mới tốt nghiệp về trường công tác, nhà trường phải mất từ 3 đến 5 năm để bồi dưỡng, gần như là đào tạo lại” (Cô giáo Nguyễn Thuý Quỳnh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội). Ý kiến thứ ba : “… những thay đổi về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học ở phổ thông chưa được cập nhật vào việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, khiến nghịch cảnh “SP đi sau PT” cứ tồn tại dai dẳng mãi”( ). Ý kiến thứ tư : “Những giáo sinh mạnh dạn đưa phương pháp giảng dạy mới vào bài giảng thì được giáo viên phổ thông đánh giá là chưa phù hợp với điều kiện nên không được chấp nhận, kết quả thường không cao”( ). Nếu như ý kiến thứ nhất là một sự kì vọng về chất lượng đào tạo SV ở trong trường SP thì ý kiến thứ hai là một sự thất vọng về điều này. Theo nhận xét của cô giáo Phó Hiệu trưởng trường THPT Xuân Đỉnh thì SV mới tốt nghiệp ra trường đang còn là gánh nặng đào tạo lại cho nhà trường PT. Nếu như ý kiến thứ ba cảnh báo thực trạng SP đi sau PT thì ý kiến thứ tư lại cho rằng PT chưa theo kịp với phương pháp dạy học mới đã được triển khai ở trường SP. Ở đây người viết bài này không đi sâu tìm hiểu để xác định thế nào là đúng, thế nào là sai mà chỉ qua các ý kiến trên để thấy một điều rằng : giữa SP và PT đang có một sự vênh, lệch đáng kể. Thực trạng này cần được khắc phục, tất nhiên không thể một sớm một chiều.
B- MỘT SỐ BIỂU HIỆN CỦA SỰ GẮN KẾT GIỮA TRƯỜNG SP VỚI TRƯỜNG PT
Như tiêu đề Về sự gắn kết giữa trường SP với trường PT trong việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, bài viết đi vào tìm hiểu sự gắn kết trên hai phương diện : với trường SP, gắn kết để đào tạo ; với trường PT, gắn kết để bồi dưỡng.
1. Gắn kết để đào tạo
a) Nội dung, chương trình đào tạo phải phù hợp theo định hướng nội dung, chương trình sách giáo khoa của nhà trường PT, tức cũng là theo mô hình người giáo viên mà thực tiễn đòi hỏi.
Bốn năm học trong trường SP, SV được học rất nhiều các kiến thức rộng và sâu. Từ Tâm lí học đại cương, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Lô gích học đến các môn học chuyên ngành, các môn học về phương pháp dạy học bộ môn, Lí luận dạy học bộ môn. Điều đó là cần thiết bởi SV phải được phát triển toàn diện, phải có một mặt bằng rộng, một bề sâu nào đó về kiến thức để “biết mười dạy một”, để “đủ chữ” dạy học sinh. Điều cần bàn ở đây là phải xây dựng chương trình đào tạo cân đối, hợp lí giữa các môn học cơ bản với các môn học về kĩ năng sư phạm. Đã có bao tình huống dở khóc dở cười về kĩ năng xử lí các tình huống giáo dục, dạy học của SV ở trường PT. Các môn học ở trường SP quá lí thuyết, quá hàn lâm. Cần giảm tính lí thuyết, hàn lâm để tăng cường tính thực tiễn, phải áp sát hơn nữa chương trình đào tạo ở ĐHSP với chương trình dạy học ở trường PT. Hầu hết SV khi xuống trường PT thực tập mới nhận ra rằng các môn Tâm lí học, Giáo dục học được đào tạo ở trường SP không giúp họ được nhiều trong việc nắm bắt tâm lí học sinh, trong việc xử lí các tình huống dạy học và giáo dục, trong công tác chủ nhiệm, trong việc tổ chức các hoạt động tập thể, trong việc lập một kế hoạch công tác,… Hay như ở môn Ngữ văn, SV “phàn nàn” rằng xuống trường PT phải tiếp cận và giảng dạy các tiết học về Văn nghị luận. Thế mà ở trường SP không hề được cung cấp các kiến thức cần thiết về thể loại này kể cả khái niệm sơ đẳng nhất. Thế là các giáo viên tương lai phải huy động lại kiến thức từ hồi học phổ thông để soạn bài dạy cho học sinh. Hay như cách chấm bài, cách đánh giá học sinh (đánh giá học lực và đánh giá hạnh kiểm) SV cũng chưa được trang bị một cách chu đáo, bài bản ở trường SP.
Chuẩn GVPT đã được ban hành. Chương trình đào tạo GV căn cứ vào chuẩn này để xây dựng các tiêu chí đầu ra. Tuy nhiên, giữa các tiêu chí lí thuyết và tiêu chí thực tế là cả một khoảng cách. Thực tế, có một số rất ít giảng viên SP có sự hình dung đúng về công việc, chức năng của người GV PT. Cũng chính vì vậy mà đa số SV khi về PT mới “bắt đầu” có những hình dung về người GVPT. Thời gian thực tập sư phạm 5 tuần quá ngắn ngủi để các em sau khi kịp hình dung xong thì chỉ kịp “bắt chước”, “làm theo” chứ chưa đủ tự tin để chủ động thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt các nhiệm vụ dạy và học ở trường PT. SV phải được “hình dung” sớm hơn chức năng, nhiệm vụ của người GV PT trong thực tiễn để sớm có sự định hướng rèn luyện ngay từ khi bước chân vào trường ĐHSP.
b) Cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của bộ môn Phương pháp dạy học theo hướng bám sát nội dung, chương trình sách giáo khoa PT
Có một tình trạng tương đối phổ biến giảng viên phương pháp khi dạy môn phương pháp rất ít dạy về phương pháp, trái lại, chỉ thích lấn sân, dạy lại kiến thức cơ bản, chuyên ngành. Giảng viên môn Phương pháp dạy tiếng Việt không dạy phương pháp dạy tiếng mà sa vào dạy Tiếng Việt và ngôn ngữ nói chung… Rốt cuộc, SV học phương pháp thì cứ học mà dạy, vẫn không biết dạy. Thiết nghĩ không phải bàn luận thêm về tình trạng trên. Mỗi khoa đặc thù trong đào tạo GV ở trường SP cần phải xây dựng lại khung chương trình đào tạo và đặc biệt là bộ môn Phương pháp dạy học của mỗi khoa cần phải đổi mới nội dung đào tạo bám sát vào các yêu cầu thực tế của trường PT. Tránh tình trạng “lấn sân” sang các môn học cơ bản vốn đã quá rộng, quá sâu. Giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học cần xuống trường PT, nắm vững chương trình dạy và học của PT, nắm vững các thay đổi về phương pháp, cập nhật thông tin về các nhiệm vụ cụ thể của người GV về dạy học, về hồ sơ sổ sách,… để xây dựng nội dung đào tạo ở trường SP thiết thực hơn, hữu ích hơn. Ví dụ, với các khoa đào tạo GV THPT, trước khi cho SV xuống trường PT để TTSP, bộ môn Phương pháp dạy học cần giúp SV tìm hiểu chương trình SGK cấp THPT, xây dựng phương pháp dạy học các lớp 10, 11, 12 ; tập soạn giáo án, tập giảng, rút kinh nghiệm giờ dạy phần chương trình SGK trong khoảng thời gian TTSP ; tập làm công tác chủ nhiệm với đối tượng học sinh lứa tuổi 16 – 18. Giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học nên trực tiếp dự giờ GV PT, và tốt hơn nữa nếu giảng viên có tham gia giảng dạy tại trường PT.
c) Cần cho SV bám sát giáo dục PT thường xuyên ngay từ khi vào năm thứ nhất cho đến hết năm cuối cùng
“Trăm nghe không bằng một thấy”, “Trăm thấy không bằng một làm”. Dạy học là một nghề. Vì vậy, quá trình học nghề không thể thoát li thực tế dạy học. Ngay từ năm thứ nhất, nên bố trí cho SV có từ 1 đến 2 tuần tiếp xúc với giáo dục PT. Mục đích là để SV làm quen với giáo dục PT với tư cách người GV. Những tuần đầu này, SV chỉ nghe các báo cáo về giáo dục ở địa phương. SV sẽ từng bước hiểu về vị trí, vai trò của người GV trong công tác giảng dạy cũng như công tác chủ nhiệm. Từ những quan sát ban đầu, SV sẽ xác định cho mình những yêu cầu rèn luyện để trở thành một GV thực thụ. Sang năm thứ hai, vẫn tiếp tục cho SV xuống trường PT nhưng nội dung thay đổi : SV dự giờ để nắm được yêu cầu và cách thức tiến hành một bài dạy. SV tham gia làm công tác chủ nhiệm để nắm được các nội dung cần phải thực hiện và cách thức thực hiện các nội dung đó. Tham gia tìm hiểu tâm lí đối tượng học sinh, tham gia tìm các biện pháp để giáo dục học sinh nói chung và học sinh cá biệt nói riêng. Với các nội dung này, SV bước đầu đã rèn được một số phẩm chất, năng lực cần thiết của người GV : tự tin trước học sinh, ý thức được vị trí, vai trò của mình trong nhà trường, trong việc giúp đỡ, giáo dục học sinh. Bước đầu nắm được yêu cầu, nội dung và cách thức thực hiện các thao tác nghề nghiệp. Sang năm thứ ba, SV xuống trường PT để làm công tác chủ nhiệm, dự giờ và chuẩn bị soạn bài để dạy thử một số tiết. Ở năm thứ ba này, SV đã cơ bản nắm được các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường PT, hình dung được những nhiệm vụ, những công việc mà người GV PT phải đảm nhiệm. Và đến năm thứ tư, năm cuối cùng, SV xuống trường PT để “thực tập” lần cuối. Thời gian này, SV đã tích luỹ cho mình bản lĩnh nghề nghiệp, các thao tác nghề nghiệp, các kĩ năng dạy học – giáo dục… từ các đợt xuống PT trước đó. Vì vậy, chắc chắn kết quả lần xuống PT này sẽ đạt kết quả cao, góp phần đào tạo những GV có trình độ chuyên môn vững vàng, có năng lực sư phạm, có bản lĩnh nghề nghiệp, yêu nghề,… đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục PT.
2. Gắn kết để bồi dưỡng
Bản thân những GV PT cũng đã từng một thời là SVSP. Có những GV đã giảng dạy hàng chục năm nhưng cũng có những GV còn rất trẻ, tuổi nghề mới khoảng 2 đến 3 năm. Họ luôn có nhu cầu tiếp tục học tập, bồi dưỡng để hoàn thiện năng lực chuyên môn, để hoàn thành nhiệm vụ dạy học của mình. Họ muốn được cập nhật thông tin khoa học từ trường SP – nơi họ đã từng được đào tạo. Họ mong muốn có những sự đổi mới về nội dung và phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy. Họ muốn có những lời giải đáp cho những thắc mắc chuyên môn nảy sinh trong quá trình dạy học từ các nhà nghiên cứu, các tác giả viết sách giáo khoa, sách tham khảo mà họ đang sử dụng hằng ngày. Thực tế qua những cuộc trao đổi, phỏng vấn, trò chuyện với Ban Giám hiệu, với GV PT, có thể nhận ra rất rõ nguyện vọng này ở trường PT.
Các đợt thực tập sư phạm chính là một cơ hội cho sự gắn kết giữa trường SP và trường PT. Tuy nhiên, sự gắn kết mới chỉ diễn ra một chiều : SV nhận được sự hướng dẫn từ GVPT về các hoạt động dạy học và giáo dục ở trường PT. Ngược lại, tiếng nói, “thương hiệu” của trường SP chưa thuyết phục được GVPT từ sản phẩm đào tạo - “các giáo sinh” và từ chính những người thầy dạy đại học. Ở đây xin ghi lại một số đề xuất của nhà trường PT, của GV đứng lớp về nguyện vọng được giao lưu, trao đổi chuyên môn với trường SP. Thứ nhất, GVPT muốn khi SV về trường PT thực tập nên có giảng viên đi cùng để, ngoài việc giúp đỡ SV trong chuyên môn cũng như trong sinh hoạt hằng ngày tại trường PT, giảng viên đó nên cùng dự giờ (dự giờ GV hướng dẫn và giáo sinh), sau đó sẽ cùng trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm giờ dạy. Họ muốn có tiếng nói góp ý của giảng viên đại học. Theo GV PT, có thể đưa SV về trường PT dự giờ bất cứ lúc nào chứ không nên chỉ trong khuôn khổ thời gian thực tập sư phạm. Thứ hai, GVPT muốn trường SP thường xuyên tổ chức các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, về công tác chủ nhiệm, về các vấn đề liên quan đến dạy học và giáo dục nói chung và có mời GV PT cùng tham gia để trường SP có dịp lắng nghe tiếng nói của PT, còn GV PT thì được cập nhật thông tin khoa học mới. Thứ ba, GV PT đề nghị trước khi đưa SV về trường PT thực tập, trường SP nên cử người về trường PT trước tìm hiểu chương trình sách giáo khoa, tìm hiểu cơ sở vật chất của trường, tìm hiểu đội ngũ giáo viên để phân công SV về thực tập hợp lí, tránh tình trạng có môn học nhà trường PT còn thiếu giáo viên nhưng số lượng giáo sinh về thực tập nhiều nên nhà trường đành phải phân công người hướng dẫn chưa đạt chuẩn. Về phía Ban Giám hiệu trường PT, họ muốn hằng năm trường SP mời các Hiệu trưởng có nhận SV về thực tập dự họp để bàn bạc cụ thể cách thức phối kết hợp làm thế nào để chất lượng đào tạo GV đạt hiệu quả cao nhất. Thiết nghĩ, các đề nghị trên của trường PT hoàn toàn hợp lí, nếu được thực hiện, chắc chắn sẽ tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa trường SP và trường PT, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo SV của trường SP cũng như chất lượng học tập, bồi dưỡng của GVPT.
Tóm lại, trong sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng GV, việc gắn kết chặt chẽ giữa trường SP với trường PT là vô cùng cần thiết. Quá trình đào tạo không thể thoát li thực tế trường PT. Ngược lại, kết thúc một khoá đào tạo 4 năm không phải là đã kết thúc “sự học” của một GV. Việc tự học, tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy là công việc luôn song hành cùng người GV trong suốt cuộc đời dạy học. Và địa chỉ tin cậy chính là trường ĐHSP, nơi tập trung các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành, những người thầy tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp đào tạo GV nói riêng và với công cuộc đổi mới giáo dục nói chung.