Theo Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, việc cho vay được áp dụng với tất cả HSSV con hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính (tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh); học sinh mồ côi. Đối tượng là HSSV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và không phân biệt thời gian đào tạo nghề. Mức cho vay 900.000đ/tháng/học sinh. Lãi suất cho vay cũng thấp hơn lãi suất cho vay hộ nghèo. Trong thời gian đang theo học tại các trường, cộng với một năm sau khi ra trường, HSSV chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay. Đặc biệt là trường hợp nào trả trước hạn thì được giảm 50% lãi suất cho vay...
 |
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho phụ huynh học sinh vay vốn. |
Có thể nói chủ trương khuyến học này của Chính phủ đã chắp cánh ước mơ cho HSSV nghèo hiếu học. Cũng nhờ chương trình này mà từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta không còn tình trạng HSSV trúng tuyển mà không nhập học do khó khăn về kinh tế, cũng như bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Và hiện nay bên cạnh phương thức cho vay thông qua hộ gia đình, NHCSXH còn thực hiện phương thức cho vay trực tiếp đối với HSSV mồ côi cha mẹ hoặc mồ côi một người, nhưng người còn lại không có khả năng giao dịch với ngân hàng. Điều này giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn của HSSV dễ dàng hơn.
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, hiện tỉnh ta có 32.963 HSSV (của 30.018 hộ gia đình) được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở đào tạo nghề, với tổng số tiền 463,9 tỷ đồng. So với trước khi triển khai Quyết định 157, số tiền cho vay tăng 100 lần. Số HSSV được thụ hưởng tăng 15,3 lần. Trong đó HSSV con gia đình nghèo còn dư nợ 165,4 tỷ đồng; hộ cận nghèo 196,7 tỷ đồng; hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất 45,9 tỷ đồng và đối tượng là HSSV thuộc diện mồ côi còn dư nợ 466 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Sinh, ở xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) thuộc diện hộ cận nghèo. Để nuôi 4 người con ăn học, gia đình chị phải nhờ ngân hàng xét duyệt cho vay hàng chục triệu đồng. Chị Sinh cho biết: "Mỗi lần nhận được giấy báo con thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sau mười mấy năm nuôi con ăn học, nay con mình đỗ đạt, cơ hội tiến thân của con rộng mở... Nhưng ngay sau đó vợ chồng tôi lại lo là, làm sao đủ tiền chu cấp cho các con ăn học trong suốt quá trình học? Đang suy tính không biết làm thế nào, thì gia đình tôi được tổ phụ nữ trong thôn động viên rằng, Chương trình Tín dụng ưu đãi cho HSSV của Nhà nước sẽ giúp gia đình tôi không phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn của tư nhân với lãi suất cao nữa. Từ ngày được NHCSXH cho vay, gia đình tôi yên tâm động viên con cái học hành, nay 1 đứa đã ra trường đi làm".
Cũng giống như chị Sinh, ông Đinh Thanh Long, xã miền núi Long Mai (Minh Long) thuộc hộ cận nghèo, được NHCSXH cho vay 34,4 triệu đồng lo cho hai người con theo học đại học. Ông Đinh Thanh Long cho biết: "Với hoàn cảnh gia đình khó khăn nếu không có nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh, thì tôi không đủ khả năng tài chính chu cấp cho hai người con theo học". Còn em Ngô Thị Kim Thuần, sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM (cơ sở miền Trung) thì vui mừng hơn, khi em được NHCSXH duyệt cho vay 34,4 triệu đồng để chi phí cho ăn học. Thuần bộc bạch: "Hoàn cảnh gia đình em khó khăn lắm. Ba em mất sớm. Mẹ em bị tâm thần mãn tính, không lao động được. Một mình em phải xoay xở vừa lo học, vừa kiếm tiền nuôi mẹ, rất vất vả. Nếu không có Chương trình tín dụng này chắc em sẽ không thể theo học ĐH được".
Chương trình tín dụng đối với HSSV là động lực tiếp sức cho những ước mơ, hoài bão và thắp sáng ngọn lửa tri thức đang từng ngày nhen lên trong các em HSSV. Tuy nhiên chính sách này không bao cấp, người vay phải có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi sau khi tốt nghiệp đi làm và có thu nhập, đồng thời để có nguồn vốn tiếp tục cho HSSV khác vay...
Bá Sơn